Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Bệnh Sán dây lây nhiễm cho người và các biện pháp phòng tránh tại cộng đồng
Lượt xem: 1033
Theo báo cáo của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trung Trung ương thông báo kết quả điều tra dịch tễ bệnh ký sinh trùng tại Cao Bằng, từ ngày 21- 28/8/2023, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng và Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc tiến hành điều tra dịch tễ bệnh ký sinh trùng cho người dân trong độ tuổi từ 6 - 65 tại 2 xã Sơn Lộ và Hưng Đạo; tổng số mẫu thu được trong đợt điều tra là 370 mẫu máu, 274 mẫu phân và 315 phỏng vấn điều tra cắt ngang ngẫu nhiên.
anh tin bai

Viên chức Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thực hiện xét nghiệm các mẫu phân tại xã Hưng Đạo, huyện Bảo Lạc.

 

Tại xã Sơn Lộ (Bảo Lạc) thu được 200 mẫu máu, 160 mẫu phân và phỏng vn 168 người từ 15- 65 tuổi. Kết quả xét nghiệm mẫu phân bằng phương pháp Kato-Katz: có 29 ca dương tính/160 mẫu phân, chiếm tỷ lệ 18,12%, trong đó 25 ca nhiễm giun móc (15,62%); 1 ca nhiễm giun tóc (0,63%); 1 ca nhiễm sán dây chuột (0,63%) và 2 ca nhiễm giun kim (1,25%).

Tại xã Hưng Đạo thu được 170 mẫu máu, 114 mẫu phân và phỏng vấn 146 người dân từ 15- 65 tuổi. Kết quả: có 28 ca dương tính/114 mẫu phân, chiếm tỷ lệ 24,58%, trong đó 21 ca nhiễm giun móc (18,42%); 3 ca nhiễm giun tóc (2,63%); 6 ca nhiễm giun đũa (5,26%) và 2 ca nhiễm giun kim (1,75%); có 3 ca nhiễm phối hợp giun đũa và giun móc.

Riêng với trường hợp Đ.T.L, 10 tuổi, ở xóm Nà Khuổi, Sơn Lộ (Bảo Lạc) nhiễm sán dây chuột (Hymenolepis nana), Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cần lập kế hoạch  điều tra, đánh giá và Truyền thông giáo dục sức khoẻ cho người dân về phòng, chống dịch bệnh sán dây nói chung.

Bệnh Sán dây là loại ký sinh trùng có thân dẹp, màu trắng đục và gồm nhiều đốt nối tiếp nhau nhưng lại không có bộ phận tiêu hóa. Chính vì thân dài và hẹp nên có tên sán dây. Sán dây ký sinh ở người thường gây bệnh nhẹ, không triệu chứng, dễ điều trị nhưng có khi ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, chúng ta cần nhận biết các triệu chứng, nguyên nhân, trang bị cách bảo vệ bản thân và gia đình trước các yếu tố gây bệnh sán dây tiềm ẩn này.

Bệnh sán dây (còn gọi là sán dải) gây ra tình trạng nhiễm ký sinh trùng ở ruột. Nguyên nhân do trứng sán dây (sán dây lợn, sán dây bò, sán dây cá…) xâm nhập từ động vật vào người qua đường miệng, đặc biệt là thói quen ăn thịt sống, thịt tái hoặc chưa nấu chín. Thông thường, cơ thể bị nhiễm sán sẽ gặp các triệu chứng nhẹ và không đặc hiệu như mệt mỏi, đau bụng, tiêu chảy. Các triệu chứng cũng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng loại sán dây mắc phải. Cơ thể nhiễm sán dây là do ăn phải thức ăn, nước uống bị nhiễm trứng hoặc ấu trùng sán dây.

Sán dây không thể sống tự do một mình ở môi trường bên ngoài mà tồn tại trong ruột của động vật và con người. Ở người, sán dây ký sinh dưới hình thức sán trưởng thành và ấu trùng. Tùy theo loại vật chủ trung gian (bò, heo, cá, chuột…) mà loại sán dây ký sinh vào và gây bệnh cho người sẽ có những tên gọi khác nhau: sán dây lợn, sán dây bò, sán dây cá, sán dây chuột…

Ký sinh trùng học cũng chia sán dây thành 2 lớp: Sán dây ký sinh người ở giai đoạn trưởng thành (ký sinh ở ruột), người là ký chủ vĩnh viễn gồm: sán dây lợn, sán dây trung bình và sán dây nhỏ. Sán dây ký sinh người ở giai đoạn ấu trùng, người là ký chủ trung gian do sán “ký sinh nhầm” thay vì phải ký sinh ở động vật (ấu trùng di chuyển Larva Migrans).

Triệu chứng nhiễm sán dây

Bệnh sán dây trưởng thành có những biểu hiện như: Biểu hiện bệnh nhiễm sán dây trưởng thành thường nhẹ, không triệu chứng đặc hiệu. Tình cờ xét nghiệm phân thấy đốt sán. Một số trường hợp có thể có các triệu chứng như buồn nôn, nhức đầu, tiêu chảy từng đợt, sụt cân. Đôi khi đau bụng lan xuống ruột thừa do sán di chuyển từ ruột non qua ruột già. Ở người suy nhược thần kinh, trẻ em có thể xuất hiện các triệu chứng co giật, thay đổi tính tình, rối loạn tim mạch. Đôi khi bệnh nhân có hội chứng thiếu máu, nguyên nhân do thiếu hụt B12.

Bệnh ấu trùng khi di chuyển khắp nơi trong cơ thể, ấu trùng sán dây có thể gây ra bệnh cảnh nghiêm trọng, khi chúng phát triển ở các vùng ngoài da, gan, phổi, mắt, cơ, và mô dưới da, đặc biệt nguy hiểm khi ở trong não. Biến chứng nặng có thể tử vong. Ở người, ấu trùng Taenia solium gây ra tổn thương ở nhiều cơ quan phủ tạng, ấu trùng Echinococcus granulosus và E. multilocularis gây ra bệnh hydatid phế nang; ấu trùng của Spirometra spp, Spirometra erinacei… cũng có thể lây nhiễm cho người.

Những biến chứng của bệnh sán dây

Bệnh sán dây: Nếu người ăn phải trứng sán dây lợn, cá, chó, mèo, chuột sẽ có nguy cơ bị nhiễm ấu trùng. Ấu trùng có thể thoát ra khỏi ruột và lây nhiễm sang các mô và cơ quan khác trong cơ thể, có thể gây tổn thương các cơ quan, trường hợp nghiêm trọng có thể tử vong.

Bệnh sán dây thần kinh: Đây là một biến chứng nguy hiểm của bệnh nhiễm sán dây lợn. Não và hệ thần kinh bị ảnh hưởng. Người mắc bệnh có thể gặp các triệu chứng nhức đầu, các vấn đề về thị lực, co giật, viêm màng não và lú lẫn. Trong những trường hợp rất nghiêm trọng, nhiễm trùng có thể gây tử vong.

Bệnh nang sán chó (Echinococcosis hoặc bệnh hydatid): Sán dây echinococcus có thể gây ra một bệnh nhiễm trùng gọi là echinococcosis. Ấu trùng rời khỏi ruột và lây nhiễm sang các cơ quan, phổ biến nhất là gan. Nhiễm trùng có thể dẫn đến u nang lớn, gây áp lực lên các mạch máu lân cận và ảnh hưởng đến tuần hoàn. Trường hợp tổn thương nặng, cần thực hiện phẫu thuật hoặc ghép gan.

Để phòng ngừa nhiễm sán dây cần duy trì những việc làm cụ thể

Diệt nguồn gây bệnh: Điều trị người mắc bệnh; vệ sinh cá nhân và vệ sinh ngoại cảnh (tránh đi tiêu bừa bãi).

Chăn nuôi: Xử lý phân động vật và phân người đúng cách. Hạn chế tối đa để động vật tiếp xúc với trứng sán dây. Chăn nuôi hợp vệ sinh, không thả rông…

Thực hiện tốt vệ sinh: Rửa tay sạch bằng xà phòng và nước sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.

Đề phòng thực phẩm: Nếu sinh sống trong khu vực thường có sán dây, hãy đảm bảo rửa và nấu tất cả trái cây và rau quả bằng nước sạch.

Thịt: Nấu chín kỹ thịt ở nhiệt độ 100 độ C nhằm tiêu diệt ấu trùng hoặc trứng.

Thịt và cá: Cấp đông cá và thịt ít nhất 7 ngày trước khi chế biến.

Thực phẩm sống: Không ăn thịt lợn, thịt bò, cá sống hoặc nấu chưa chín.

Chó nuôi: Hãy đảm bảo vật nuôi được điều trị sán dây. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân. Đồ ăn cho chó từ thịt, cá cần được nấu chín.

Vệ sinh nhà bếp: Đảm bảo tất cả các bề mặt trong gian bếp thường xuyên được lau chùi sạch sẽ và khử trùng.

Không để thức ăn sống cùng thức ăn khác. Rửa tay sau khi chạm vào thịt hoặc cá sống. Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng kỹ thuật hun khói hoặc làm khô thịt hoặc cá không hẳn là cách đáng tin cậy để tiêu diệt ấu trùng hoặc trứng.

 

Ngọc Anh

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang