Sở Y tế và VNPT tổ chức Hội nghị thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
Sáng ngày 04/4/2025, Sở Y tế và Viễn thông tỉnh Cao Bằng (VNPT) phối hợp tổ chức Hội nghị thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW: Xung lực mới, khí thế mới để chuyển đổi số y tế Cao Bằng; thực hiện bệnh án điện tử, liên thông dữ liệu giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Đồng chí Nông Tuấn Phong - Giám đốc Sở Y tế và đồng chí Nguyễn Chí Dũng - Giám đốc VNPT Cao Bằng đồng chủ trì.
Các đại biểu tham dự Hội nghị thực
hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và thực hiện bệnh án điện tử, liên
thông dữ liệu giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh
Cao Bằng.
Tham
dự Hội nghị có các Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Giám đốc VNPT Cao Bằng; lãnh đạo
các các tổ chức tham mưu tổng hợp và chuyên môn nghiệp vụ thuộc Sở Y tế và các
công chức có liên quan; lãnh đạo, viên
chức làm công nghệ thông tin, viên chức có liên quan của các đơn vị trực thuộc
Sở Y tế: BVĐK tỉnh; BVĐK Y dược cổ truyền- PHCN; Bệnh viện Tĩnh Túc; BVĐK các
huyện: Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hà Quảng và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số
57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công
nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó nhấn mạnh, phát triển khoa học, công
nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển
của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát
triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân
tộc.
Theo đó, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đưa
ra 5 quan điểm chỉ đạo, như: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và
chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để
phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi
mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy
cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của
Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích
cực của doanh nhân, doanh nghiệp và nhân dân đối với phát triển khoa học, công
nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Phát triển hạ tầng, nhất là
hạ tầng số, công nghệ số trên nguyên tắc “hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn,
hiệu quả, tránh lãng phí”; làm giàu, khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu,
đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất chính, thúc đẩy phát triển nhanh cơ sở dữ
liệu lớn, công nghiệp dữ liệu, kinh tế dữ liệu. Phát triển nhanh và bền vững, từng bước tự chủ về công nghệ, nhất
là công nghệ chiến lược; ưu tiên nguồn lực quốc gia đầu tư cho phát triển khoa
học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Bảo đảm chủ quyền quốc gia
trên không gian mạng; bảo đảm an ninh mạng, an ninh dữ liệu, an toàn thông tin
của tổ chức và cá nhân là yêu cầu xuyên suốt, không thể tách rời trong quá
trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc
gia…
.JPG)
Đồng chí Nông Tuấn Phong - Giám đốc Sở Y tế phát biểu tại
Hội nghị triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và thực hiện bệnh
án điện tử trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Các mục tiêu đến năm 2030, trong đó: Đóng góp của năng suất nhân
tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%; tỉ trọng xuất khẩu
sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt tối thiểu 50%.
Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP. Tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến
của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%; giao dịch không dùng tiền mặt đạt
80%. Tỉ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 40% trong tổng
số doanh nghiệp. Quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương trên môi
trường số, kết nối và vận hành thông suốt giữa các cơ quan trong hệ thống chính
trị. Hoàn thành xây dựng, kết nối, chia sẻ đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ
sở dữ liệu các ngành; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên số, dữ liệu
số, hình thành sàn giao dịch dữ liệu. Tầm nhìn đến năm 2045: Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và
chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát
triển, có thu nhập cao. Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là
một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc
nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tỉ lệ doanh
nghiệp công nghệ số tương đương các nước phát triển; tối thiểu có 10 doanh
nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. Thu hút thêm ít nhất 5 tổ
chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu,
sản xuất tại Việt Nam…
Nghị quyết số 57-NQ/TW cũng đề ra các nhiệm vụ, giải
pháp nhằm nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm
chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới
trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển
đổi số quốc gia. Khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xoá bỏ mọi tư
tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi
thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển
đổi số. Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới
sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng
cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo
và chuyển đổi số quốc gia. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công
nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính
trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các
lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh. Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học,
công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Tăng cường hợp
tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển
đổi số.
Tại Hội nghị, đại diện VNPT Cao Bằng đã giới thiệu giải pháp, đề
xuất phương án ứng dụng bệnh án điện tử - EMR;
xác định mục tiêu triển khai bệnh án điện tử - EMR; đánh giá hiện trạng; đề
xuất giải pháp và lộ trình ứng dụng; đề xuất triển khai bệnh án điện tử - EMR ở
mức tối thiểu; nhóm giải pháp hạ tầng; nhóm giải pháp thông minh khác; phòng
bệnh thông minh; hiện trạng các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; kế hoạch
và lộ trình thực hiện được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 gồm: BVĐK
tỉnh, BVĐK Y dược cổ truyền- PHCN, BVĐK các huyện: Hà Quảng, Quảng Hòa, Trùng
Khánh, TTYT huyện Hòa An và Thạch An; Giai đoạn 2 gồm Bệnh viện Tĩnh túc và các
Trung tâm Y tế còn lại.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã tiến hành trao đổi, thống nhất triển khai thực hiện bệnh án điện tử tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đóng góp ý kiến thực
hiện bệnh án điện tử, liên thông dữ liệu giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
công lập trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Thực
hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát
triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Chỉ
thị số 07/CT-TTg ngày 14/3/2025 về đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng
dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số
quốc gia giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo
Bộ Y tế đôn đốc 100% các bệnh viện trên toàn quốc phải triển khai bệnh án
điện tử; liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh của
địa phương với các bệnh viện thuộc Bộ Y tế hoàn thành trước tháng 10/2025.
|
Đức Giang