Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh lý hô hấp khiến người bệnh khó thở vì đường thở bị hẹp so với bình thường và có thể dẫn đến suy hô hấp, tử vong. COPD là một bệnh phổ biến trên thế giới, với hơn 380 triệu người mắc bệnh. Đây cũng là nguyên nhân tử vong đứng thứ 3 toàn cầu. Ước tính có 3 triệu người trên toàn cầu tử vong mỗi năm do COPD, con số này còn tiếp tục gia tăng trong những năm tiếp theo do tiếp xúc các yếu tố nguy cơ và tình trạng già hóa dân số. Thế nhưng nhiều người dân lại không biết được sự nguy hiểm của căn bệnh này.
Khi có các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính người dân nên đến các cơ sở y tế để khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Ảnh: Ngọc Anh
Việt Nam là quốc gia có tần
suất mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đứng cao nhất trong khu vực Châu Á Thái
Bình Dương. Một điều tra cho thấy có tới 3,1% số người trưởng thành ở nước ta từng
được chẩn đoán mắc bệnh này. Vì vậy việc chẩn đoán và điều trị sớm giúp ngăn ngừa
sự tiến triển của bệnh, phòng ngừa biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống
cho người bệnh là rất cần thiết.
Triệu chứng, nguyên nhân của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh nhân được chẩn đoán mắc
COPD khi có các triệu chứng: Khó thở, ho mạn tính hoặc khạc đàm mạn hoặc tiền sử
tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như: khói thuốc lá, khói của nguyên liệu, các
khói bụi nghề nghiệp; bị nhiễm trùng đường hô hấp tái đi tái lại nhiều lần; ngực
có cảm giác đau, thắt chặt; thở khò khè, mệt mỏi kéo dài; sốt nhẹ và có cảm
giác ớn lạnh... Nếu có những triệu chứng này thì nên đến các cơ sở y tế để
khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Một số yếu tố nguy cơ
chính gây COPD là do tiếp xúc lâu dài với chất kích thích trong không khí:
nguyên nhân hàng đầu là do khói thuốc lá (hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động)
gây ra 3/4 trường hợp mắc bệnh; khói bụi, bụi than đá và bụi silic, ô nhiễm
không khí trong nhà từ sưởi ấm và nấu ăn bằng khối sinh học trong môi trường
thông khí kém; ô nhiễm không khí môi trường bên ngoài; Nhiễm trùng cũng có thể
là nguy cơ gây bệnh…
Bệnh nhân bị bệnh phổi tắc
nghẽn mạn tính thường mắc phải những bệnh đi kèm như: suy nhược, suy giảm chức
năng cơ xương, hội chứng chuyển hóa, loãng xương, trầm cảm và ung thư phổi.
Các triệu chứng của COPD đôi khi được cải thiện khi người bệnh ngừng hút
thuốc, dùng thuốc điều trị thường xuyên hoặc tham gia phục hồi chức năng phổi.
Tuy nhiên, phổi vẫn bị hư hại và không bao giờ có thể hoàn toàn trở lại bình
thường, khó thở và mệt mỏi có thể không bao giờ biến mất hoàn toàn nhưng mọi
người có thể học cách kiểm soát tình trạng của mình và tiếp tục sống khỏe.
Cách phòng ngừa Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bỏ thuốc lá và tránh xa các chất kích thích: Hút thuốc là yếu
tố nguy cơ chính của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Theo một số nghiên cứu, những
người hút thuốc có nguy cơ mắc COPD cao hơn 10 lần so với những người không hút
thuốc, có tới 80 - 90% bệnh nhân COPD hút thuốc và gần 50% người hút thuốc lâu
năm bị COPD, hút thuốc lá thụ động cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến
bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Vì vậy, cách hiệu quả nhất để phòng ngừa COPD là
nói không với hút thuốc lá.
Tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm: Bụi bẩn, phấn hoa, lông
thú, khói nhiên liệu,... là những tác nhân khiến các triệu chứng COPD dễ tái
phát. Cần luôn giữ cho không khí ở nơi sinh sống luôn sạch sẽ, thông thoáng.
Thời tiết thay đổi: Những thay đổi về nhiệt độ và thời tiết có
thể làm cho các triệu chứng COPD trở nên tồi tệ hơn. Theo nghiên cứu, không khí
lạnh, khô hoặc nóng có thể gây bùng phát các triệu chứng COPD, do đó, khi thời
tiết trở lạnh, trở gió, hãy che miệng, mũi cẩn thận khi ra ngoài.
Tránh tình trạng nhiễm trùng hô hấp: Nhiễm trùng đường hô hấp
rất nguy hiểm đối với những người bị COPD vì nó ảnh hưởng đến phổi và đường hô
hấp. Một số yếu tố lây nhiễm, chẳng hạn như: cảm lạnh và cúm có thể làm cho
tình trạng khó thở, ho khan và thở khò khè trở nên tồi tệ hơn, cách tốt nhất để
ngăn ngừa COPD là giảm nguy cơ nhiễm trùng, những người bị bệnh phổi tắc nghẽn
nên rửa tay thường xuyên và đảm bảo rằng họ đã được tiêm chủng đầy đủ các loại
vắc xin phòng bệnh cần thiết.
Đặc biệt, với người cao tuổi
mắc bệnh COPD, để phòng ngừa bệnh tái phát, giảm nguy cơ biến chứng nên hạn chế
đến mức thấp nhất việc tiếp xúc với khói thuốc, các hóa chất, khói bụi độc hại.
Người bệnh COPD nên duy trì luyện tập các bộ môn thể thao như: đạp xe, đi bộ...
ở mức độ trung bình từ 30-60 phút/ngày, tùy theo khả năng. Với bệnh nhân nặng
có thể giảm thời gian luyện tập hoặc tập thở bằng cách hít sâu và thở mạnh ra hết
sức...
Ngoài việc luyện tập, người
bệnh COPD cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ăn đồ loãng, nóng, thức ăn mềm dễ
hấp thu, chế độ ăn cần đủ chất dinh dưỡng và bổ sung thêm nước hoa quả, trái
cây, rau xanh. Khi bệnh tái phát hoặc diễn biến nặng cần đến các cơ sở y tế
để khám và điều trị kịp thời.
Hoàng Ly (st)