Tiêm xơ búi trĩ – Giải pháp an toàn, hiệu quả cho người mắc bệnh trĩ
Bệnh trĩ là một trong những bệnh lý phổ biến nhất trong các bệnh thuộc vùng hậu môn – trực tràng, thường gặp ở người lớn tuổi, người lao động ngồi lâu, đứng lâu, phụ nữ sau sinh hoặc những người có chế độ ăn uống thiếu chất xơ, ít vận động. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống, với các triệu chứng điển hình như đau rát hậu môn, chảy máu khi đi đại tiện, sa búi trĩ, ngứa ngáy và khó chịu kéo dài. Trong nhiều năm qua, điều trị bệnh trĩ thường thiên về hai hướng: điều trị bảo tồn bằng thuốc hoặc can thiệp bằng phẫu thuật cắt trĩ. Tuy nhiên, mỗi phương pháp đều có giới hạn, đặc biệt là ở những bệnh nhân có thể trạng yếu, cao tuổi hoặc sợ phẫu thuật, lo ngại biến chứng.
Bác sĩ Bệnh viện Y dược cổ truyền
- Phục hồi chức năng tỉnh Cao bằng thực hiện tiêm xơ búi trĩ cho bệnh nhân.
(Ảnh: Trọng Thụ)
Trước nhu cầu thực tế đó, phương pháp tiêm xơ búi
trĩ bằng dung dịch Phenol Glycerin 60 5% (PG60) ra đời và được đánh giá là một
bước tiến mới trong điều trị trĩ, đặc biệt hiệu quả với bệnh nhân bị trĩ nội độ
I và II. Đây là thủ thuật xâm lấn tối thiểu, được thực hiện bằng cách sử dụng
nội soi ống cứng để tiêm trực tiếp dung dịch PG vào gốc búi trĩ. Khi dung dịch
được đưa vào, nó sẽ tác động trực tiếp đến cuống mạch máu nuôi dưỡng búi trĩ,
tạo ra hiện tượng tắc mạch chọn lọc, từ đó làm giảm lưu lượng máu đến khu vực
này. Nhờ vậy, thể tích búi trĩ sẽ dần thu nhỏ và teo đi một cách tự nhiên. Khác
với các phương pháp tiêm xơ truyền thống vốn có nguy cơ gây xơ cứng và tổn
thương lớp niêm mạc hậu môn, kỹ thuật sử dụng PG60 không làm chai xơ niêm mạc
mà chỉ tác động lên hệ mạch máu, nhờ đó hạn chế tối đa biến chứng sau điều trị.
Phương pháp này mang lại nhiều ưu điểm vượt trội
so với phẫu thuật cắt trĩ hay các thủ thuật khác. Thứ nhất, tiêm xơ không gây
đau cho bệnh nhân, vì mũi tiêm được thực hiện ở vùng trên đường lược - nơi
không có dây thần kinh cảm giác. Bệnh nhân hầu như không cảm thấy gì trong quá
trình thực hiện. Thứ hai, kỹ thuật không cần gây tê hay gây mê toàn thân, rất
phù hợp với những người có bệnh lý nền như tim mạch, tăng huyết áp hoặc tiểu
đường, giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến thuốc gây mê. Ngoài ra, phương pháp
ít xâm lấn, không làm tổn thương cấu trúc hậu môn, từ đó tránh được nguy cơ hẹp
hậu môn, nhiễm khuẩn hoặc rối loạn đại tiện như một số trường hợp sau phẫu
thuật cắt trĩ. Tiêm xơ không chỉ tập trung xử lý triệu chứng mà còn tác động
vào nguyên nhân chính gây bệnh - đó là sự giãn nở và suy yếu của hệ thống mạch
máu trĩ. Bằng cách làm giảm lượng máu cấp cho búi trĩ, kết hợp với tư vấn thay
đổi lối sống, phương pháp này giúp ngăn ngừa tái phát hiệu quả hơn nhiều phương
pháp truyền thống.
Tại Bệnh
viện Đa khoa y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Cao Bằng, phương
pháp tiêm xơ búi trĩ đã được triển khai chính thức từ tháng 5 năm 2024, nằm
trong kế hoạch đổi mới và mở rộng các kỹ thuật điều trị kết hợp y học cổ truyền
và y học hiện đại. Kết quả từ khi triển khai đến nay, bệnh viện đã thực hiện
tiêm xơ búi trĩ bằng dung dịch PG60 cho hơn 40 bệnh nhân, với trên 300 mũi tiêm
và nhận được kết quả khả quan. Trong đó, 100% bệnh nhân chấm dứt triệu chứng
chảy máu, 86,7% bệnh nhân hết đau hoàn toàn và 13,3% còn lại giảm đau ở mức
nhẹ. Đặc biệt, không có bất kỳ trường hợp nào xuất hiện biến chứng như nhiễm
trùng, viêm loét hay phản ứng phụ tại vùng tiêm. Về hiệu quả điều trị tổng thể,
13,3% bệnh nhân khỏi hoàn toàn sau một liệu trình, 86,7% cải thiện rõ rệt tình
trạng bệnh. Không ghi nhận trường hợp nào bệnh nặng lên hoặc không đáp ứng điều
trị.

![]()
Ông
Hà Lê Ních xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình đang được bác sĩ Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Cao
Bằng thăm khám.
Ông Hà Lê Ních - xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình,
tỉnh Cao Bằng chia sẻ: Sau khi phát hiện mắc bệnh trĩ, tôi tới Bệnh viện Đa
khoa y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Cao Bằng thăm khám và được các
bác sĩ ở đây tư vấn sử dụng phương pháp tiêm xơ búi trĩ. Sau 1 tuần điều trị,
tình trạng sức khỏe của tôi đã ổn định và cải thiện 60 - 70%. Khi sử dụng
phương pháp này tôi không cảm thấy đau, vẫn có thể đi lại bình thường trong
thời gian điều trị.
Hầu hết người bệnh mắc trĩ nội độ I và II đều phù
hợp để thực hiện phương pháp này, đặc biệt là những người có sức khỏe ổn định,
mong muốn tránh phẫu thuật hoặc không đủ điều kiện để gây mê. Tuy nhiên, không
phải trường hợp nào cũng có thể áp dụng tiêm xơ. Những bệnh nhân mắc trĩ ở giai
đoạn nặng, trĩ hỗn hợp, trĩ sa nghẹt hoặc trĩ vòng, thường không còn đáp ứng
tốt với tiêm xơ mà cần được chỉ định điều trị bằng các phương pháp khác, có thể
bao gồm phẫu thuật. Ngoài ra, trĩ ngoại, trĩ tắc mạch (hình thành cục máu đông
gây đau dữ dội), áp xe hậu môn, rò hậu môn hoặc bệnh nhân đang trong tình trạng
cấp tính của bệnh lý toàn thân như rối loạn đông máu, sốt cao, nhiễm trùng…
cũng không phải là đối tượng phù hợp để thực hiện tiêm xơ. Phụ nữ mang thai
cũng được khuyến nghị chỉ nên điều trị bằng phương pháp này sau khi kết thúc
thai kỳ và hồi phục sức khỏe.
Tiêm xơ búi trĩ không chỉ là một kỹ thuật y học
đơn thuần, mà còn là kết quả của quá trình nghiên cứu, đào tạo và chuẩn hóa quy
trình kỹ thuật tại Bệnh viện Đa khoa y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh
Cao Bằng. Đây là một trong những dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu được bệnh viện đưa
vào hoạt động theo định hướng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hiện đại hóa
các phương pháp y học cổ truyền và mở rộng khả năng điều trị không phẫu thuật.
Phương pháp này cũng là một nội dung quan trọng trong hoạt động nghiên cứu khoa
học của bệnh viện trong năm 2024, được đánh giá và nghiệm thu bởi Sở Y tế tỉnh
Cao Bằng, phản ánh tính thực tiễn cao và khả năng nhân rộng trong hệ thống y tế
tuyến tỉnh và huyện.
Theo Bác sĩ Nông Hoàng Hưng - Khoa Ngoại - Phụ, Bệnh
viện Đa khoa y dược cổ truyền – Phục hồi chức năng chia sẻ thêm về hiệu quả
điều trị: Dựa trên kinh nghiệm điều trị thực tế tại Khoa, tôi đánh giá
phương pháp tiêm xơ búi trĩ bằng PG60 mang lại hiệu quả rất khả quan. Phần lớn
bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng chảy máu khi đại tiện, có người chảy máu nhỏ
giọt, có người máu bắn thành tia, thậm chí có lúc nhuộm đỏ cả bồn cầu. Sau khoảng
1 đến 3 lần tiêm, hầu như tất cả các trường hợp đều ngừng hoàn toàn tình trạng
chảy máu. Bên cạnh đó, thể tích búi trĩ cũng thu nhỏ dần qua từng lần tiêm,
hiện tượng sa búi giảm dần, búi trĩ co lên nhanh hơn, giúp bệnh nhân cảm thấy
dễ chịu hơn trong quá trình đi vệ sinh. Tuy nhiên, hiệu quả này cũng phụ thuộc
nhiều vào thời điểm bệnh nhân đến điều trị. Những trường hợp được can thiệp sớm,
khi trĩ còn ở độ I hoặc độ II, thì sau một đợt điều trị thường không còn tình trạng
chảy máu khi đại tiện và trĩ nội sa xuống. Điều đáng mừng là trong quá trình triển
khai, chúng tôi gần như không ghi nhận biến chứng nào đáng kể, miễn là bệnh
nhân tuân thủ đúng các hướng dẫn chăm sóc và theo dõi sau tiêm. Đây thực sự là
một phương pháp điều trị an toàn và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người
bệnh.
Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục duy
trì và mở rộng phương pháp tiêm xơ trĩ, đồng thời kết hợp chặt chẽ với các
chương trình đào tạo, chỉ đạo tuyến để chuyển giao kỹ thuật cho các đơn vị y tế
cấp dưới, đảm bảo người dân trên địa bàn tỉnh có thể tiếp cận dịch vụ điều trị
chất lượng cao mà không cần di chuyển đến các bệnh viện tuyến trên. Đây cũng là
minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của mô hình điều trị kết hợp y học cổ truyền và
hiện đại - một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển y tế cộng đồng
bền vững. Tiêm xơ búi trĩ vì vậy trở thành lựa chọn điều trị lý tưởng, mang lại
sự an tâm và thoải mái cho người bệnh trong hành trình chữa trị và phục hồi.
Quốc Cường