Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Lao kháng thuốc – Mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng
Lượt xem: 133
Lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ra bởi vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis, là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Mặc dù Chính phủ đã đẩy mạnh thực hiện Chương trình Chống lao Quốc gia để giảm thiểu số ca mắc bệnh lao, tiến tới quyết tâm chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, tuy nhiên, sự gia tăng của lao kháng thuốc đang trở thành mối lo ngại lớn đối với cả bệnh nhân và bác sĩ trong quá trình điều trị.
anh tin bai

Đồ hoạ các biện pháp phòng, chống lao kháng thuốc

Theo Báo cáo toàn cầu về bệnh lao năm 2024 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có 10,8 triệu người mắc bệnh lao, 1.25 triệu ca tử vong, trong đó có 161.000 ca tử vong nhiễm đồng thời cả HIV. Báo cáo cũng cho biết Việt Nam là một trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Không chỉ gây ảnh hướng đến sức khỏe cộng đồng mà bệnh lao, đặc biệt là lao kháng thuốc còn gây ảnh hưởng tới đời sống, kinh tế của từng gia đình và toàn xã hội.

Trước thực trạng này, Chính phủ đã đẩy mạnh triển khai Chương trình Chống lao Quốc gia để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Tuy nhiên, một vấn đề ngày càng đáng lo ngại là sự gia tăng của lao kháng thuốc, đặc biệt là lao kháng đa thuốc (MDR-TB) và lao siêu kháng thuốc (XDR-TB), đe dọa nghiêm trọng về y tế công cộng ở nước ta.

Lao kháng thuốc là tình trạng bệnh mà vi khuẩn lao kháng lại các thuốc chống lao khiến việc điều trị trở nên khó khăn và bản thân bệnh nhân trở thành nguồn lây nguy hiểm cho cộng đồng. Việc mắc lao kháng thuốc sẽ khiến người bệnh đối mặt với tình trạng sức khỏe trầm trọng cùng với việc điều trị tiêu tốn nhiều thời gian, tiền bạc.

Theo tiến sỹ, bác sỹ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng lao kháng thuốc là do bệnh nhân không tuân thủ quy trình điều trị, quên thuốc, tự ý giảm liều hoặc ngừng thuốc khi chưa đủ thời gian, không tái khám. Một số trường hợp do hít phải vi trùng lao kháng thuốc từ các nguồn lây khác sẵn có trong cộng đồng… Có những bệnh nhân lao kháng thuốc ở mức độ ít nghiêm trọng, chỉ kháng một loại thuốc nhưng có bệnh nhân kháng thuốc mức độ nặng gọi là lao đa kháng thuốc, nặng hơn là siêu kháng thuốc. Nhưng nhìn chung các thể lao kháng thuốc đều hết sức nguy hiểm.

Lao kháng thuốc gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh và cộng đồng. Quá trình điều trị trở nên khó khăn hơn do thời gian kéo dài từ 8 đến 20 tháng, thuốc có nhiều tác dụng phụ và chi phí rất cao, gấp nhiều lần so với lao thông thường. Hiệu quả điều trị cũng thấp hơn, với tỷ lệ chữa khỏi chỉ khoảng 65 - 70%. Tỷ lệ tử vong do lao kháng thuốc cũng cao hơn đáng kể, đặc biệt ở những trường hợp lao siêu kháng thuốc, khi hiệu quả điều trị giảm mạnh. Vi khuẩn kháng thuốc có thể lây lan trong cộng đồng, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch, nhất là ở môi trường đông người như bệnh viện, trại giam hay khu dân cư chật hẹp.

Ngoài ra, bệnh còn gây ra gánh nặng kinh tế lớn cho người bệnh, gia đình và xã hội. Người mắc lao kháng thuốc thường mất khả năng lao động trong thời gian dài, làm giảm thu nhập và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Hệ thống y tế cũng chịu áp lực nặng nề do chi phí điều trị cao và số ca bệnh khó kiểm soát ngày càng tăng.

Tuy lao kháng thuốc là một thách thức lớn đối với hệ thống y tế, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát nếu thực hiện đúng các biện pháp phòng chống. Dưới đây là một số giải pháp quan trọng nhằm hạn chế sự lây lan và phát triển của lao kháng thuốc:

Tuân thủ điều trị đúng phác đồ

Phòng chống lao kháng thuốc đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa người bệnh, cộng đồng và hệ thống y tế. Quan trọng nhất là người bệnh cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị, uống thuốc đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý ngừng thuốc hay thay đổi thuốc, vì điều này có thể làm tăng nguy cơ kháng thuốc. Chương trình điều trị có giám sát (DOTS) cũng giúp đảm bảo bệnh nhân tuân thủ liệu trình, hạn chế tình trạng bỏ dở điều trị.

Phát hiện sớm và điều trị kịp thời

Việc phát hiện bệnh lao sớm giúp tăng hiệu quả điều trị và ngăn chặn nguy cơ kháng thuốc. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc lao như: ho kéo dài, sốt nhẹ về chiều, sụt cân không rõ nguyên nhân... người bệnh cần đến cơ sở y tế để khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời. Các phương pháp chẩn đoán hiện đại như: GeneXpert, nuôi cấy vi khuẩn lao và xét nghiệm kháng thuốc giúp phát hiện nhanh tình trạng kháng thuốc, từ đó có phác đồ điều trị phù hợp.

Tiêm chủng vắc xin BCG

Vắc xin BCG là biện pháp phòng bệnh lao hiệu quả, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, giúp phòng tránh các thể lao nguy hiểm như: lao màng não, lao kê. Trẻ sơ sinh cần được tiêm vắc xin BCG càng sớm càng tốt, tốt nhất trong vòng 1 tháng sau sinh.

Cải thiện điều kiện sống và vệ sinh môi trường

Môi trường sống sạch sẽ và thông thoáng đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế lây lan vi khuẩn lao. Nhà ở và nơi làm việc cần được thông gió tốt, hạn chế tập trung đông người trong không gian kín. Người tiếp xúc gần với bệnh nhân lao cần đeo khẩu trang, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, đồng thời duy trì vệ sinh cá nhân tốt để giảm nguy cơ nhiễm bệnh.

Sử dụng thuốc phòng lao hợp lý cho nhóm nguy cơ cao

Đối với những người có nguy cơ cao như: người nhiễm HIV hoặc người tiếp xúc gần với bệnh nhân lao kháng thuốc, sử dụng thuốc dự phòng lao theo chỉ định của bác sĩ có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, việc này cần được theo dõi chặt chẽ để tránh tác dụng phụ và đảm bảo hiệu quả điều trị.

Lao kháng thuốc là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát nếu thực hiện đồng bộ các biện pháp trên. Sự phối hợp giữa ngành Y tế, chính quyền và mỗi cá nhân sẽ giúp giảm nguy cơ lây lan, nâng cao hiệu quả điều trị và tiến tới chấm dứt bệnh lao trong tương lai.

Hoàng Trang

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang