Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi
Lượt xem: 103
Bệnh sởi có nguy cơ trở nặng ở giai đoạn phát ban hoặc sau khi phát ban với các biến chứng nguy hiểm như: Viêm phổi, tiêu chảy cấp, viêm màng não, viêm não… thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Cùng với tỷ lệ lây lan cao trong cộng đồng, trẻ em và người lớn cần chủ động tiêm phòng ít nhất 2 mũi vắc xin sởi để phòng nguy cơ lây nhiễm, mắc bệnh, biến chứng và tử vong.
anh tin bai

Viên chức Trạm Y tế xã Thượng Hà, huyện Bảo Lạc tiêm vắc xin cho trẻ trên địa bàn xã.

 

Bệnh viêm phổi

Viêm phổi là biến chứng nghiêm trọng và phổ biến nhất của bệnh sởi, gây nguy hiểm đặc biệt ở trẻ nhỏ. Viêm phổi thường xảy ra muộn sau khi phát ban hoặc trong giai đoạn phát ban.

Biểu hiện của viêm phổi: Sốt cao, khó thở, râm ran phế quản và chỉ số bạch cầu tăng cao. Biến chứng này thường do bội nhiễm vi khuẩn, có thể gây tổn thương phổi nghiêm trọng và dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Tiêu chảy cấp

Tiêu chảy cấp là biến chứng phổ biến thứ hai của sởi, thường xuất hiện ở giai đoạn khởi phát bệnh hoặc sau khi cơn sốt và ban sởi giảm. Do vi rút sởi gây rối loạn tiêu hóa, khiến trẻ đi phân lỏng, có dịch nhầy hoặc máu, kèm mất các chất điện giải quan trọng như natri, kali, clorua…

Trẻ mắc tiêu chảy thường biểu hiện: Mắt trũng, miệng khô, ít tiểu, khóc không nước mắt. Nếu không được bù nước và điện giải kịp thời, trẻ có nguy cơ mất nước, rối loạn điện giải, dẫn đến sốc, suy thận, trụy tim mạch và tử vong.

Tiêu chảy kéo dài hoặc nghiêm trọng còn tổn hại niêm mạc ruột, làm giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng, dẫn đến suy dinh dưỡng, sụt cân và suy yếu miễn dịch. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn như Shigella, E.coli bội nhiễm, khiến tình trạng tiêu chảy kéo dài và khó điều trị.

Biến chứng viêm não

Viêm não do sởi là biến chứng hiếm nhưng cực kỳ nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong khoảng 20%, thường xuất hiện sau phát ban từ 3 - 6 ngày. Viêm não do sởi ở giai đoạn khởi phát biểu hiện bằng sốt cao, nhức đầu, co giật, hôn mê, rối loạn ý thức và thậm chí là liệt một bên người hoặc liệt một bên chi.

Nhóm trẻ lớn, đang tuổi đi học, là đối tượng dễ mắc biến chứng này. Chi phí điều trị rất lớn, trong khi bệnh nhân thường phải đối mặt với di chứng suốt đời như liệt, điếc, chậm phát triển trí tuệ và khó khăn trong học tập.

Suy dinh dưỡng và suy giảm miễn dịch

Sởi còn dẫn đến suy dinh dưỡng và suy giảm miễn dịch, hai biến chứng nguy hiểm nhưng thường bị phụ huynh xem nhẹ do không biểu hiện tức thì. Sốt cao kéo dài, kèm theo tiêu chảy và ăn uống kém, khiến trẻ mắc sởi sụt cân, suy dinh dưỡng và suy giảm hệ miễn dịch. Vi rút sởi còn gây tổn thương hệ tiêu hóa, dẫn đến kém hấp thu dưỡng chất thiết yếu, đặc biệt là protein và vitamin A, từ đó khiến trẻ chậm phát triển chiều cao, cân nặng và tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng khác.

Vi rút sởi phá hủy kháng thể cũ, gây “mất trí nhớ miễn dịch”, làm giảm tới 20 - 70% khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể. Điều này khiến trẻ dễ nhiễm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như cúm, lao, ho gà, bạch hầu, phế cầu và tụ cầu. Tình trạng suy giảm miễn dịch có thể kéo dài từ vài tuần, vài tháng, thậm chí tới hơn một năm sau khi mắc sởi.

Các chuyên gia đầu ngành cảnh báo phụ huynh cần theo dõi sức khỏe trẻ cẩn thận sau khi mắc sởi, đặc biệt lưu ý đến các dấu hiệu suy dinh dưỡng và nhiễm trùng.

Trẻ bị viêm phổi bội nhiễm thường phải sử dụng kháng sinh mạnh hoặc liều cao để điều trị. Với những trẻ có thể trạng yếu, mắc bệnh nền như tim bẩm sinh, ung thư hoặc các bệnh mạn tính, biến chứng nặng của sởi đòi hỏi điều trị phức tạp, gồm thở máy, truyền gamma globulin miễn dịch, gây tốn kém và đòi hỏi nhiều nguồn lực. Cùng với đó, trẻ mắc sởi phải được cách ly tuyệt đối để ngăn ngừa lây nhiễm ra cộng đồng.

 

Đức Giang (St)

 

 

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang