Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Bảo vệ trẻ em khỏi tai nạn thương tích: Những điều cha mẹ cần biết
Lượt xem: 67
Tai nạn và thương tích là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em tại Việt Nam. Các trường hợp phổ biến bao gồm đuối nước, tai nạn giao thông, ngộ độc, té ngã, bỏng, bị động vật cắn hoặc chấn thương do vật sắc nhọn. Đặc biệt, mỗi năm có hơn 2.800 trẻ em tử vong do đuối nước – con số cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và gấp 8 lần so với các nước có thu nhập cao. Việc hiểu rõ các nguy cơ và áp dụng biện pháp phòng tránh sẽ giúp cha mẹ bảo vệ trẻ an toàn trong cuộc sống hàng ngày.
anh tin bai

Đối với tai nạn đuối nước

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng phần lớn xuất phát từ sự chủ quan, thiếu giám sát chặt chẽ của phụ huynh, hoặc do không có người trông coi, chăm sóc, khiến trẻ tự do vui chơi gần ao, hồ, sông, suối... Bên cạnh đó, các vật dụng chứa nước trong gia đình như lu, vại, bể nước không được đậy kín cũng tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho trẻ. Để ngăn ngừa những tai nạn đáng tiếc và bảo vệ an toàn cho trẻ, cần áp dụng một số biện pháp phòng tránh hiệu quả.

Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên, chỉ nên đưa trẻ đi bơi ở các hồ bơi đảm bảo an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát; dạy trẻ kỹ năng bơi lội và các biện pháp an toàn khi ở dưới nước; Đảm bảo các khu vực chứa nước trong nhà như giếng nước, lu nước, thùng nước được che đậy hoặc rào chắn an toàn; gia đình có hồ bơi, hồ cá trong nhà nên rào kín xung quanh và lắp đặt hệ thống báo động bể bơi; nên có người lớn đưa đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua các khu vực ngập úng.

Đối với tai nạn bỏng và điện giật

Bỏng và điện giật cũng là mối lo lớn đối với các bậc phụ huynh. Trẻ có thể bị bỏng do tiếp xúc với nước sôi, lửa, bếp điện hoặc các vật nóng như: bàn là, trong khi nguy cơ điện giật thường xuất phát từ việc chạm vào ổ điện, dây điện hở, thả diều ở nơi có trụ điện cao thế…

Để phòng tránh tai nạn bỏng và điện giật, cha mẹ cần giữ các vật dụng nóng như: nước sôi, bàn là xa tầm tay trẻ; bố trí bếp ăn, bàn ăn cao ngoài tầm với của trẻ; kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống; hướng dẫn trẻ có kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích do bỏng; sử dụng ổ điện có nắp đậy và che kín các ổ điện ở vị trí thấp; kiểm tra và bảo dưỡng các thiết bị điện trong nhà, đảm bảo không có dây điện hở; dạy trẻ không nghịch ngợm với các thiết bị điện và tránh xa khu vực bếp khi đang nấu ăn.

Hóc dị vật và ngạt thở

Hóc dị vật và ngạt thở cũng là một nguy cơ nghiêm trọng, đặc biệt ở trẻ dưới 3 tuổi. Các vật nhỏ như hạt, viên bi, đồ chơi có kích thước nhỏ hay một số loại thực phẩm dễ gây nghẹn có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm. Ngoài ra, việc trẻ ngủ trong tư thế không phù hợp, sử dụng gối hoặc chăn dày cũng có thể gây ngạt thở.

Hóc dị vật và ngạt thở có thể được phòng tránh bằng cách không để trẻ chơi với đồ vật nhỏ, hạt, viên bi hoặc các vật dụng nhỏ khác có thể nuốt phải, hướng dẫn trẻ ăn chậm và nhai kỹ; cắt thức ăn thành miếng nhỏ phù hợp với độ tuổi của trẻ, tránh các loại thực phẩm dễ gây hóc như: nho nguyên quả, kẹo cứng; giám sát trẻ khi ăn uống và chơi đùa, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi; Ngoài ra, cần đảm bảo môi trường ngủ an toàn, tránh để gối hoặc chăn trùm kín mặt trẻ khi ngủ.

Tai nạn giao thông

Tai nạn giao thông cũng là một trong những nguyên nhân gây thương tích nặng ở trẻ em. Việc trẻ không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, xe đạp, hoặc băng qua đường mà không có sự giám sát có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Để ngăn ngừa tai nạn giao thông việc dạy trẻ các quy tắc cơ bản như: đi bộ trên vỉa hè, không chạy băng qua đường và đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy hoặc xe đạp là điều quan trọng; giám sát trẻ khi chơi gần đường phố và nhắc nhở về nguy cơ từ các phương tiện giao thông; Cha mẹ cũng nên giám sát trẻ khi tham gia giao thông.

Đối với tai nạn té ngã và chấn thương

Trẻ em thường gặp nguy cơ té ngã và chấn thương khi chơi cầu trượt, xích đu, đi xe đạp hoặc chạy nhảy, đặc biệt là khi không có sự giám sát của người lớn. Ngoài ra, việc leo trèo cầu thang, chơi đùa trên ban công hoặc các vật dụng cao trong nhà cũng có thể gây chấn thương nghiêm trọng.

Để phòng tránh té ngã và chấn thương, cha mẹ cần đảm bảo môi trường sống an toàn bằng cách lắp đặt rào chắn ở cầu thang, ban công và những nơi nguy hiểm. Đồng thời, cần hướng dẫn trẻ chơi an toàn, không leo trèo lên các đồ vật không chắc chắn và sử dụng đồ bảo hộ khi tham gia các hoạt động thể thao; giữ đồ nội thất chắc chắn, tránh để trẻ leo trèo lên bàn ghế không ổn định; giám sát trẻ khi chơi, đặc biệt ở những khu vực có nguy cơ cao như cầu thang, bếp, hoặc gần cửa sổ.

Một số biện pháp sơ cứu cơ bản khi trẻ gặp tai nạn

Dù đã thực hiện các biện pháp phòng tránh, vẫn có những tình huống không mong muốn xảy ra. Vì vậy, cha mẹ cần biết cách sơ cứu cơ bản để xử lý kịp thời.

Khi trẻ bị chảy máu, cần dùng băng gạc sạch ép vào vết thương để cầm máu. Nếu trẻ bị bỏng, nên ngâm vùng bị bỏng vào nước mát trong 15-20 phút, tránh bôi kem hoặc dầu lên vết thương. Trong trường hợp hóc dị vật, nếu trẻ còn ho được thì để trẻ tự ho, nếu bị nghẹt thở, thực hiện thủ thuật vỗ lưng và ép bụng (Heimlich) để đẩy dị vật ra ngoài. Khi trẻ bị điện giật, phải ngắt nguồn điện ngay lập tức và không chạm vào trẻ khi điện chưa được tắt.

Không chỉ cha mẹ, mà cả cộng đồng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em khỏi tai nạn thương tích. Cha mẹ cần giám sát trẻ chặt chẽ, đặc biệt trong mùa hè khi trẻ vui chơi nhiều hơn. Việc tạo môi trường an toàn trong gia đình, trường học và khu vui chơi là rất quan trọng. Thường xuyên nhắc nhở và giáo dục trẻ về các biện pháp an toàn, đồng thời tham gia các lớp học sơ cứu để biết cách ứng phó khi trẻ gặp nguy hiểm. Việc trang bị kiến thức phòng tránh tai nạn và kỹ năng sơ cứu sẽ giúp giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an toàn và sức khỏe cho trẻ em.

 

Quốc Cường

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang