Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Chung tay xóa bỏ hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Lượt xem: 1522

Hôn nhân cận huyết thống là một hủ tục đã và đang tồn tại ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đây là nguyên nhân quan trọng làm suy thoái chất lượng giống nòi. Từ sự vào cuộc tích cực của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang dần có những chuyển biến tích cực.

Chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng tuyên truyền, vận động đẩy lùi “vấn nạn” tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Cà Lò là xóm vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của xã Khánh Xuân (Bảo Lạc), địa hình dốc núi hiểm trở, đường đi lại khó khăn, không điện, không nước, không sóng điện thoại... Cả xóm có 34 hộ dân tộc Dao, 100% là hộ nghèo, cuộc sống, sinh hoạt của bà con gần như tách biệt với thế giới bên ngoài.

Những năm qua, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của người dân không phải là vấn đề mới, tuy nhiên luôn là vấn đề “nóng”. Hủ tục lấy vợ sớm cho con cháu ở đây như “ăn sâu, bám rễ” vào tư tưởng, tâm lý của họ. Cả xóm có hơn 80% hộ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nhiều em nhỏ mới 12, 13 tuổi đã nghỉ học ở nhà và gánh thiên chức là những người vợ, người mẹ. Việc kết hôn sớm và anh, chị, em họ kết hôn trong phạm vi 3 đời khiến cho tỷ lệ trẻ em sinh ra bị suy dinh dưỡng, thấp còi, bị hội chứng down, dị tật bẩm sinh, bạch tạng, bệnh tan máu bẩm sinh... Nhiều cặp vợ chồng còn quá trẻ để tự lập, chưa biết làm ăn nên sớm bỏ nhau sau một thời gian ngắn chung sống.

Trước thực trạng trên, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng biên phòng đóng quân trên địa bàn nỗ lực vào cuộc, quyết liệt thực hiện các biện pháp đẩy lùi tệ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Xuân Sinh Văn Phong cho biết: Cấp ủy, chính quyền xã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, lấy công tác tuyên truyền làm trọng tâm, phối hợp với lực lượng biên phòng xác định rõ đối tượng cần tập trung tuyên truyền, từ đó lên kế hoạch thành lập đoàn tuyên truyền tại các xóm. Lồng ghép các hoạt động, đánh giá các chỉ tiêu, tiêu chí, quyền lợi của người dân..., phát huy vai trò gương mẫu của người có uy tín, cùng người dân xây dựng mô hình gia đình, dòng tộc, thôn, xóm không có tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Cùng đoàn cán bộ tuyên truyền đến nhà ông Chảo Vần Sâm, xóm Cà Lò, gia đình ông Sâm dự định sẽ tổ chức đám cưới cho con gái, mặc dù con rể vẫn chưa bước sang tuổi 15. Tuy nhiên, chính quyền xã kịp thời phát hiện, tuyên truyền, vận động 2 gia đình cam kết dừng đám cưới do hai người con chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định. Ông Sâm chia sẻ: Con gái tôi năm nay 18 tuổi nên nhiều nhà trong xóm cũng đến hỏi cưới, được cán bộ xã, Bộ đội Biên phòng tuyên truyền tôi mới biết các con chưa đủ tuổi lấy nhau. Lấy nhau về không được đăng ký kết hôn, sau này cũng không đăng ký khai sinh cho cháu được nên tôi quyết định dừng việc cưới xin, đợi con đủ tuổi mới cho lấy nhau...

Gia đình ông Chảo Sành Phấu, xóm Cà Lò đã lấy vợ cho cháu trai khi mới đang học lớp 6, cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Ông Phấu bộc bạch: Nhà tôi cưới vợ cho cháu là muốn có thêm người giúp làm nương, rẫy. Khi được cán bộ tuyên truyền, gia đình đã biết khi kết hôn không đúng độ tuổi sẽ ảnh hưởng đến tương lai cũng như sự phát triển, duy trì nòi giống sau này của con cháu. Gia đình hai bên đã trót làm lễ nhưng bây giờ chưa cho ở với nhau để các cháu tập trung vào học tập, sau này học xong, có việc làm mới cho về ở với nhau.

Không chỉ xung kích giúp dân giảm nghèo, phát triển kinh tế trong vùng biên giới, những cán bộ biên phòng luôn là nòng cốt, đi đầu trong công tác phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động đẩy lùi “vấn nạn” tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Theo Thiếu tá Tạ Duy Hà, Chính trị viên Đồn biên phòng Xuân Trường, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương, cử những đồng chí am hiểu tiếng nói, phong tục, tập quán của bà con để tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con những quy định của pháp luật. Khó khăn trong ngăn chặn nạn tảo hôn ở những xóm đồng bào dân tộc thiểu số như Cà Lò là do nhận thức của một số người dân còn hạn chế. Không chỉ các bạn trẻ chưa ý thức hết những quy định của pháp luật, hệ lụy tảo hôn gây ra, ngay cả các bậc cha mẹ vẫn giữ suy nghĩ để con lấy vợ, lấy chồng sớm là gia đình thêm lao động, giảm bớt gánh nặng.

Để việc truyên truyền hiệu quả, Đồn thường xuyên cử cán bộ bám nắm địa bàn, tuyên truyền cho bà con hiểu và chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về Luật Hôn nhân và Gia đình, tổ chức cho các hộ ký cam kết không vi phạm. Năm 2020, xóm Cà Lò chỉ còn 3 cặp vợ chồng tảo hôn. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn không còn trường hợp nào tảo hôn và kết hôn cận huyết thống.

 

Bảo An 

 

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang