Huyết áp là áp suất động mạch được tạo bởi sức đẩy của tim và sức ép của thành động mạch. Theo Tổ chức Y tế thế giới, chẩn đoán tăng huyết áp khi trị số trung bình qua ít nhất 2 lần đo của huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) lớn hơn hoặc bằng 140mmHg và trị số trung bình của huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu) lớn hơn hoặc bằng 90 mmHg được xem là tăng huyết áp. Đối với người già, tăng huyết áp phổ biến là tăng huyết áp tối đa đơn thuần tức là chỉ số huyết áp tối đa lớn hơn 160mmHg nhưng huyết áp tối thiểu nhỏ hơn 90mmHg.
Kiểm tra huyết áp thường xuyên là biện pháp quan
trọng để phát hiện sớm tăng huyết
áp
Tăng huyết áp là một vấn đề thường gặp trong cộng đồng, cứ ba người trưởng
thành có một bị tăng huyết áp, tăng huyết áp cũng là nguyên nhân gây tử
vong hàng đầu và dẫn đến cái chết của hàng triệu người hàng năm, đồng thời là
nguyên nhân gây suy tim, đột quỵ não và là nguyên nhân thứ 2 gây nhồi máu cơ tim cấp. Bệnh thường không biểu hiện triệu chứng nên nhiều người chủ quan, lâu ngày
dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận.
Theo Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ tăng huyết áp trên thế giới
từ 23 đến 37%, tức cứ 3 đến 4 người thì có một người mắc. Những nước thu nhập thấp và trung bình, như Việt
Nam, có lượng người mắc tăng huyết áp cao nhất. Theo kết quả điều tra
mới nhất của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành là 26,2%
dân số. Gần 60% người bị tăng huyết áp ở Việt Nam chưa được phát hiện và
hơn 80% chưa được điều trị. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận thêm khoảng 200
nghìn ca đột quỵ mới, 80% trong đó là người bị tăng huyết áp. Đặc biệt
trong những năm gần đây, bệnh tăng huyết áp có xu hướng trẻ hóa, ghi nhận ở
những bệnh nhân còn trẻ ở độ tuổi 30 - 40 tuổi
Tăng huyết áp là hội chứng tim mạch, khi huyết áp tối đa (huyết áp tâm
thu)/huyết áp tối thiểu (huyết áp tâm trương) đo được lớn hơn hoặc bằng 140mmHg/90mmHg.
Cách duy nhất để biết có bị huyết áp cao hay không là đo huyết áp, có thể đến
bệnh viện đo hoặc mua máy đo tự động tại nhà. Người trưởng thành có huyết áp
bình thường nên kiểm tra huyết áp mỗi năm một lần. Những người có yếu tố nguy
cơ như: bệnh nhân đái tháo đường, người thừa cân, béo phì... cần đo huyết áp
thường xuyên hơn, khoảng 6 tháng/lần. Người từ 40 tuổi trở lên, nên đo huyết áp
2 - 3 tháng/lần. Người có biểu hiện của tăng huyết áp cần phải kiểm tra huyết
áp thường xuyên, khoảng 1 - 2 lần/tháng. Ngoài ra, cần kiểm tra định kỳ hàng
năm các yếu tố nguy cơ: xét nghiệm kiểm tra đường máu, cholesterol máu, chức
năng thận, điện tâm đồ.
Dấu hiệu cảnh báo tăng
huyết áp
Tăng huyết áp không có dấu hiệu đặc trưng,
các triệu chứng nặng, nhẹ khác nhau, biểu hiện tùy thuộc theo tình trạng
từng người. Những dấu hiệu hay gặp của tăng huyết áp là: nhức
đầu, chóng mặt, ù tai, hoa mắt, khó thở, hồi hộp, đỏ mặt, buồn nôn.
Tuy nhiên có một số người tăng
huyết áp không có triệu chứng gì, hoặc các triệu chứng kể trên chỉ xuất hiện
khi bệnh đã tiến triển nặng. Chính vì vậy tăng huyết áp được gọi là
“kẻ giết người thầm lặng”.
Một số yếu tố nguy cơ của bệnh tăng
huyết áp
1. Tuổi: nguy cơ tăng huyết áp tăng cùng với tuổi, nhất là ở người từ 45
tuổi trở lên.
2. Thừa
cân béo phì: người thừa cân BMI 23, nam vòng bụng 90, nữ vòng bụng 80cm.
3. Sử dụng rượu bia, thuốc lá
làm tăng
huyết áp và gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch do tăng
huyết áp.
4. Ăn nhiều muối, ít hoa quả.
5. Ít hoạt động thể lực.
6. Căng thẳng tâm lý.
7. Mắc các bệnh mạn tính như: bệnh
thận, đái
tháo đường, rối loạn lipit máu...
8.Tiền sử bệnh trong gia đình: nguy
cơ tăng
huyết áp gia tăng nếu trong gia đình đã có người bị tăng
huyết áp.
Trong các yếu tố
nguy cơ gây bệnh tăng huyết áp thì tuổi cao, tiểu đường, béo phì được coi là 3
tâm điểm gây bệnh tăng huyết áp. Tuổi càng cao, thành động mạch bị lão hoá và
xơ vữa, làm giảm tính đàn hồi và trở nên cứng hơn. Vì thế, huyết áp tâm thu
tăng cao hơn. Khoa học cũng đã chứng minh, tỷ lệ bệnh nhân tiểu đường mắc bệnh
tăng huyết áp cao gấp đôi những người không bị tiểu đường. Khi nhiễm cả 2 bệnh
trên sẽ làm tăng gấp đôi biến chứng mạch máu và nguy cơ tử vong so với bệnh
nhân tăng huyết áp đơn thuần. Với người thừa cân, béo phì cũng làm tăng nhanh
huyết áp vì cân nặng có quan hệ khá tương đồng với bệnh tăng huyết áp.
Ngoài ra, rối loạn
lipid máu, hút thuốc, ăn mặn, uống nhiều rượu bia, ít vận động, căng thẳng, lo
âu quá mức hay tiền sử gia đình có người bị tăng huyết áp cũng là những yếu tố
nguy cơ gây bệnh tăng huyết áp.
Tăng huyết áp có nguy hiểm không? Tại sao?
Tăng huyết áp thường diễn biến âm thầm và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan bộ
phận cơ thể của bạn và bằng nhiều cách. Tăng huyết áp làm tăng gánh nặng cho
tim và hệ thống động mạch. Tim của phải làm việc nặng hơn trong một thời gian
dài, nên nó có xu hướng to ra. Tim cũng phải giãn ra và thành tim bị dày lên để
bù lại, nhưng nếu quá trình này diễn biến lâu ngày quá giới hạn sẽ dẫn đến suy
tim.
Tăng huyết áp cũng thúc đẩy và gây ra xơ vữa động mạch. Đây là một bệnh lý
nguy hiểm dẫn tới nhiều biến chứng tim mạch (như tai biến mạch não; nhồi máu cơ
tim, bệnh động mạch vành mạn tính, bệnh động mạch chủ hoặc động mạch ngoại vi
…).
Bên cạnh đó, tăng
huyết áp còn có thể làm tổn thương thận cấp, bệnh thận mạn và cuối cùng dẫn đến
suy thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu định kỳ. Bệnh cũng có thể gây giảm thị
lực, mù lòa, xơ vữa mạch máu dẫn đến đau chân khi đi lại, thậm chí loét, hoại
tử phải đoạn chi gây tàn phế. Tăng huyết áp cũng có thể là nguyên nhân gây rối
loạn cương dương, đặc biệt nếu kèm đái tháo
đường, hút thuốc lá.
Các nghiên cứu cho
thấy: người bị tăng huyết áp không được kiểm soát thì nguy cơ: Bệnh động mạch
vành tăng gấp 3 lần; Suy tim tăng 6 lần; Đột quỵ tăng 7 lần… Các biến chứng gây
ra tăng huyết áp có thể cấp tính, có thể âm thầm và do vậy không những nguy
hiểm đe dọa tính mạng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống
của bạn.
Dự phòng tăng
huyết áp
1. Kiểm tra huyết áp
thường xuyên là biện pháp quan trọng để phát hiện sớm tăng huyết áp. Mọi người dân cần thường xuyên kiểm tra
huyết áp thông qua khám sức khỏe định kỳ hoặc qua các lần đi khám, kiểm tra sức
khỏe tại các cơ sở y tế.
2. Chế
độ ăn hợp lý: Giảm ăn mặn (dưới 5g muối/ ngày), tăng cường ăn rau xanh hoa quả
tươi, hạn
chế thức ăn có nhiều Cholesterol và axit béo no, đảm bảo đủ Kali và các yếu tố
vi lượng.
3. Duy trì cân nặng lý tưởng với
chỉ số khối của cơ
thể (BMI) từ 18,5 đến 22,9, duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm
ở nữ. Tích cực giảm cân (nếu quá cân).
4.
Hạn chế uống rượu bia, không hút thuốc lá hoặc thuốc lào.
5.
Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp, tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp
hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30 - 60 phút mỗi ngày.
6.
Tránh lo âu căng thẳng thần kinh, cần chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp
lý, tránh bị lạnh đột ngột.
Bên cạnh áp dụng các biện pháp tích cực
thay đổi lối sống như trên, những bệnh nhân bị tăng huyết áp cần được theo dõi,
quản lý bệnh lâu dài và điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc để giảm bớt các
nguy cơ xảy ra biến chứng và duy trì mức huyết áp hợp lý.
Mai Hoa