Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Nguy cơ lây nhiễm bệnh tại các bể bơi công cộng ngày nắng nóng
Lượt xem: 700
Những ngày hè nắng nóng, nhu cầu “giải nhiệt” trong các bể bơi trên địa bàn tỉnh tăng cao dẫn đến tình trạng hầu hết các bể bơi luôn trong tình trạng đông đúc. Điều đáng nói, số lượng quá đông người “tắm chung” tại một bể bơi cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe.
anh tin bai

Cần chọn bể bơi có nguồn nước đảm bảo vệ sinh để đảm bảo an toàn sức khỏe

Theo các chuyên gia y tế, bể bơi công cộng là một trong những nơi dễ bị ô nhiễm do tác động bởi môi trường bên ngoài như nước mưa, bụi bẩn, các loại vi trùng… Cùng với đó là nguồn thải ô nhiễm trong bể bơi như mồ hôi, nước tiểu, nước bọt… mà nhiều người không có ý thức giữ vệ sinh công cộng thải ra. Bể bơi càng đông càng bẩn và dễ gây bệnh cho người sử dụng. Ngoài ra, trong số những người đi bơi, có nhiều người vốn đã mang bệnh sẵn nhưng không có ý thức tránh lây bệnh cho người khác.

Để đảm bảo nguồn nước sạch cho khách đến tắm, các bể bơi bắt buộc phải được xử lý hóa học để khử trùng, tiêu diệt các thành phần gây ô nhiễm trước khi đem vào sử dụng. Các hóa chất thường được sử dụng để diệt khuẩn, làm xanh nước bể bơi là cloramin B, clo, sunfat đồng… Đây đều là những chất có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người nếu không được sử dụng đúng liều lượng. Bên cạnh đó, việc sử dụng phương pháp này, các bể bơi cần phải được trang bị thêm một hệ thống lọc nước. Tuy nhiên, trên thực tế, ít có nơi nào chịu đầu tư, do đó, nước trong bể bơi không thể sạch hoàn toàn. Cũng chính bởi lẽ đó, bể bơi công cộng luôn tiềm ẩn nhiều mầm bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người như các bệnh về: Mắt, tai - mũi - họng, da liễu, bệnh liên quan đến đường hô hấp, đường tiêu hóa, phụ khoa,…

Các loại bệnh có thể gặp sau khi đi bơi

Bệnh đau mắt đỏ (còn gọi là viêm kết mạc): là căn bệnh gặp phổ biến nhất khi bơi lội, nhất là khi hồ bơi quá tải, tình trạng xử lý nước hồ bơi không đạt vệ sinh. Biểu hiện của bệnh là xuất hiện mắt đỏ, ra gỉ nhiều, ngứa, chảy nước mắt... Nguyên nhân gây ra bệnh một phần xuất phát từ việc nhiễm khuẩn trong nước hồ bơi, phần còn lại là lây chéo từ những người đã mắc sẵn các bệnh lý về mắt trước đó. Nhiều bể bơi lạm dụng hóa chất còn làm cho người bơi dễ mắc chứng khác về mắt như: khô mắt, đỏ mắt.

Bệnh tiêu chảy: nước là môi trường lý tưởng để ký sinh trùng gây tiêu chảy có tên khoa học là Cryptosporidium sinh sống. Loại ký  sinh trùng này gây tổn thương tế bào biểu mô ở dạ dày, ruột, đường hô hấp. Khi bị nhiễm thường không có triệu chứng, vì vậy chúng ta là những ổ chứa âm thầm truyền bệnh cho những cá thể khác.

Khi bị nhiễm Cryptosporidium, bệnh nhân bị tiêu chảy dữ dội, phân toàn nước, kết hợp với đau quặn bụng, mệt mỏi toàn thân, sốt, chán ăn buồn nôn và đôi khi có nôn. Các triệu chứng thay đổi nhưng thường trong vòng 30 ngày ở những người không có hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Ở những người bị suy giảm miễn dịch, có thể tử vong khi bị nhiễm Cryptosporidium. Cryptospo - ridium có khả năng đề kháng cao đối với các hóa chất sát khuẩn cho nước uống và nước bể bơi. Vì thế, một người bị tiêu chảy có thể dễ dàng gây nhiễm bẩn bể bơi. Để ngăn lây lan các mầm bệnh tại bể bơi, bạn cần tránh để nước ở bể bơi xâm nhập vào miệng. Tắm rửa sạch sẽ trước khi bơi, rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh. Không nên đi bơi nếu bạn bị tiêu chảy, vì như thế dễ truyền bệnh cho người khác.

Bệnh ngoài da: Khi bơi lội, thân thể dễ va chạm và bị xây xước nhẹ. Đây là điều kiện rất tốt để các vi rút, nấm mốc, bệnh ngoài da... xâm nhập và tấn công cơ thể. Phổ biến nhất là bị u mềm lây với triệu chứng là những nốt gồ lên nổi trên da, đỉnh của những nốt này có vết lõm xuống và lan dần ra như mụn cóc. Bệnh do vi nấm cũng thường gặp với các chứng bệnh hắc lào, nấm móng, nấm tóc, lang ben. Bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng ngứa, viêm loét tại các vị trí thương tổn. Chất sát khuẩn trong nước gây viêm da tiếp xúc dị ứng với triệu chứng là da khô và bong tróc.

Nấm kẽ chân: Bệnh này do nấm Epidermophytin hoặc Trichophytin gây nên. Đối với nấm kẽ chân do Epidermophytin, da kẽ chân bị bợt trắng, có khi xuất hiện mụn nước ở rìa các ngón chân. Do ngứa nhiều, người bệnh phải gãi liên tục khiến các mụn nước bị vỡ, trợt, loét dễ bị nhiễm khuẩn thứ phát làm sưng tấy các ngón chân, lan trên bàn chân, hạch bẹn.

Trường hợp bị nấm kẽ chân Trichophytin, kẽ ngón chân thường tróc vảy da khô, nền da hơi đỏ, rất ngứa, ở rìa bàn chân, gót chân có các đám róc vẩy da vằn vèo. Các móng chân có thể dày lên, sần sùi, màu vàng đục hoặc mủn ra như lõi sậy.

Bệnh viêm mũi, tai: Do bị nước lọt vào tai, nhất là nguồn nước ô nhiễm chứa nhiều vi khuẩn gây các bệnh viêm tai, mũi. Khi thấy tai, mũi có hiện tượng đau, ngứa, chảy nước, sốt nhẹ, phải ngừng bơi và đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được khám và điều trị.

Nhiễm khuẩn đường hô hấp:

Bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp là do vi khuẩn Legionella gây ra, vi khuẩn này có trong nước bể bơi, khi đi bơi người bơi có thể hít từ hơi nước của bể nước nóng.

Thời gian tiến triển của bệnh từ 2 ngày đến 2 tuần sau khi tiếp xúc và thường gặp ở những người trên 50 tuổi, người hút thuốc và những người có hệ miễn dịch yếu.

Do không thể nhận ra vi khuẩn này tồn tại trong bể bơi hoặc bồn nước nóng nên bạn thường chủ quan mà bỏ qua. Các loại khuẩn này thường gặp ở bể bơi trong nhà, nhưng chúng cũng có thể sống bên ngoài trong môi trường ấm áp, ẩm ướt.

Nhiễm trùng đường tiết niệu: cũng là một trong những bệnh tiêu biểu thường gặp khi vào mùa bơi lội. Bệnh xảy ra khi vi khuẩn di chuyển lên niệu đạo, đi qua nước tiểu vào bàng quang. Vi khuẩn này thường xuất phát từ nước bể bơi nên bạn cần tránh việc ngồi ngồi xung quanh bể bơi lâu trong bộ đồ tắm ẩm ướt.

Bệnh phụ khoa: Do nước bể bơi có rất nhiều vi khuẩn nấm, vi trùng gây bệnh... nếu không vệ sinh sạch sẽ, các vi khuẩn nấm và vi trùng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể, gây ra hiện tượng nhiễm nấm, viêm nhiễm đường sinh dục. Bệnh này nếu không phát hiện sớm và điều trị dứt điểm sẽ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm: Tiểu ra máu, tiểu buốt, rắt; nam giới viêm mào tinh hoàn, viêm tuyến tiền liệt, phụ nữ là viêm âm hộ, viêm cổ tử cung và viêm phần phụ.

Môi trường nước bể bơi cũng dễ lây một số bệnh truyền nhiễm khác như: bệnh tay - chân - miệng, bệnh đau mắt hột, viêm đường tiết niệu, tiêu chảy. Tóc cũng sẽ trở nên khô xơ và cứng bởi các chất hóa học lọc nước như: ôxít đồng, muối nhôm, clo...

Để đảm bảo an toàn khi muốn tìm đến các bể bơi công cộng để “giải nhiệt” mùa hè, chúng ta nên tránh các bể bơi nước vẩn đục hoặc có mùi hóa chất gây sốc đặc trưng, số người bơi nhiều. Trước khi xuống bể, mỗi người nên ý thức tắm sạch nhằm hạn chế mồ hôi, mỹ phẩm, trên cơ thể tránh gây ô nhiễm. Không đi bơi khi trên người đang có các vết thương hở và tình trạng sức khỏe không tốt. Người bơi nên trang bị đầy đủ các loại vật phẩm thiết yếu khi đi bơi: kính bơi, mũ che đầu... để giảm nguy cơ lây bệnh về mắt, tai, mũi, họng. Không nên ngâm mình dưới nước bể bơi quá lâu. Cũng nên chú ý thời điểm để đi bơi, tốt nhất là từ 5 đến 7 giờ sáng, bởi lúc này do chưa có nhiều người tắm nên bể bơi khá sạch sẽ. Với những bể bơi ngoài trời, hãy hạn chế đi bơi vào những thời điểm nắng to từ 11 trưa đến 15 giờ chiều hàng ngày vì vừa hại da vừa dễ bị cảm đột ngột. Cuối cùng, sau khi vẫy vùng dưới nguồn nước bể bơi, cần phải tắm lại sạch sẽ bằng xà phòng; súc miệng cẩn thận và nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý.

Dự kiến trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục đón những đợt nắng nóng gay gắt, đặc biệt học sinh đã bước vào kỳ nghỉ hè, các bể bơi được dự kiến sẽ quá tải, một số bể chắc hẳn không đủ thời gian để tuân thủ đầy đủ quy tắc bắt buộc và kiểm tra thường xuyên độ bẩn của nước… Do đó mỗi người nên chọn lựa bể bơi phù hợp, đảm bảo an toàn sức khỏe.

 

Bảo An

 

 

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang