Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Sở Y tế tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 163/2025/NĐ-CP ngày 29/6/2025 của Chính phủ
Lượt xem: 29
Sáng ngày 11/7, Sở Y tế tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 163/2025/NĐ-CP ngày 29/6/2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành luật Dược và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực dược. Tham dự có các đơn vị trực thuộc Sở Y tế, các Bệnh viện ngoài công lập và cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nông Văn Thánh, Phó Giám đốc Sở Y tế chủ trì Hội nghị.
anh tin bai

Đồng chí Nông Văn Thánh, Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Quốc Cường

Nghị định 163 gồm 9 chương và 130 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025 quy định rất chặt chẽ để tránh tình trạng quảng cáo "thổi phồng" về các loại thuốc thuốc chữa bệnh. Theo quy định, cơ sở bán thuốc, nguyên liệu làm thuốc có trách nhiệm cung cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược của cơ sở, thông tin về đăng ký lưu hành hoặc cấp phép nhập khẩu của thuốc, nguyên liệu làm thuốc cho thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử để thực hiện kiểm tra, giám sát trước khi đăng ký sử dụng dịch vụ trên sàn giao dịch. Thông tin in trên bao bì đóng gói hàng hóa được chuyển cho khách hàng trong trường hợp bán lẻ thuốc theo phương thức thương mại điện tử phải bao gồm tên, địa chỉ, số điện thoại của khách hàng và số điện thoại của người tư vấn. Thông tin in trên bao bì đóng gói hàng hóa được chuyển cho khách hàng là cơ sở kinh doanh dược bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử phải bao gồm số Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và ngày cấp của cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Cụ thể, Điều 103 quy định, nội  dung quảng cáo thuốc phải ghi chú thích rõ ràng tài liệu chứng minh đồng thời phải chỉ rõ phần thông tin được trích dẫn trong tài liệu chứng minh. Việc trích dẫn phải đảm bảo truyền đạt chính xác thông tin, không suy diễn hoặc cắt xén thông tin theo hướng gây hiểu sai về tính an toàn, hiệu quả của thuốc. Nội dung quảng cáo thể hiện qua bản ghi âm, ghi hình có nhiều trang hoặc phân cảnh quảng cáo, các trang hoặc phân cảnh quảng cáo phải xuất hiện liên tiếp, dừng đủ thời gian để người xem có thể đọc được hết các thông tin thể hiện. Trang, phân cảnh có nội dung thông tin sản phẩm phải đứng yên, không chuyển động để người đọc tìm hiểu kỹ về thông tin sản phẩm,…Điều 104 quy định về các thông tin, hình ảnh không được sử dụng trong nội dung quảng cáo thuốc gồm: Các thông tin, hình ảnh bị cấm trong hoạt động quảng cáo quy định tại Luật Quảng cáo; các nội dung gây hiểu nhầm về thành phần, tác dụng, chỉ định, xuất xứ của thuốc.

Bên cạnh đó, các nội dung tạo ra cách hiểu: Thuốc này là số một; thuốc này là tốt hơn tất cả; sử dụng thuốc này là biện pháp tốt nhất; sử dụng thuốc này không cần ý kiến của thầy thuốc; thuốc này hoàn toàn vô hại; thuốc không có chống chỉ định; thuốc không có tác dụng không mong muốn; thuốc không có tác dụng có hại,… đều sẽ bị cấm. Ngoài ra, các câu, từ, hình ảnh mang tính suy diễn quá mức dẫn đến hiểu nhầm là tác dụng, chỉ định, hiệu quả của thuốc hoặc vượt quá tác dụng, chỉ định, hiệu quả của thuốc đã được phê duyệt. Các từ, cụm từ: điều trị tận gốc, tiệt trừ, chuyên trị, hàng đầu, đầu bảng, đầu tay, chất lượng cao, đảm bảo 100%, an toàn, dứt, cắt đứt, chặn đứng, giảm ngay. giảm tức thì, khỏi ngay, khỏi hẳn, yên tâm, không lo, khuyên dùng, hotline và các từ, cụm từ có ý nghĩa tương tự đều sẽ bị cấm sử dụng trong quảng cáo thuốc từ 7/2025.

Nghị định cũng nêu rõ các chỉ định không được đưa vào nội dung quảng cáo thuốc như: Chỉ định điều trị bệnh lao, bệnh phong; chỉ định điều trị bệnh lây qua đường tình dục; chỉ định điều trị chứng mất ngủ; chỉ định mang tính kích dục; chỉ định điều trị bệnh ung thư, bệnh khối u; chỉ định điều trị cắt cơn cai nghiện ma túy;… Các kết quả về kiểm nghiệm chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc; kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng; kết quả nghiên cứu lâm sàng hoặc kết quả thử tương đương sinh học chưa được Bộ Y tế công nhận cũng đều không được quảng cáo. Nghị định cũng cấm hành vi sử dụng danh nghĩa, địa vị, uy tín, thư tín, thư cảm ơn của tổ chức, cá nhân để quảng cáo thuốc; lợi dụng xuất xứ của thuốc, nguyên liệu làm thuốc để quảng cáo thuốc; hình ảnh, tên, biểu tượng của cán bộ y tế; hình ảnh động vật, thực vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; hình ảnh người bệnh để mô tả tình trạng bệnh lý hoặc công dụng của thuốc không phù hợp với tài liệu liên quan đến thuốc và các hướng dẫn chuyên môn do Bộ Y tế ban hành hoặc công nhận…

anh tin bai

Viên chức Bệnh viện Đa khoa Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh đóng góp ý kiến tại Hội nghị.

Tại Hội nghị các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận và làm rõ các nội dung: Chứng chỉ hành nghề dược; Nội dung quảng cáo thuốc, hồ sơ, thủ tục tiếp nhận thẩm định và xác nhận nội dung quảng cáo thuốc, trách nhiệm của tổ chức,cá nhân thực hiện tham gia quảng cáo thuốc; Các biện pháp quản lý giá thuốc.

Hội nghị không chỉ hướng dẫn các đơn vị triển khai hiệu quả việc thực hiện các Nghị định, mà còn là cơ hội để các đơn vị thẳng thắn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp các ý kiến nhằm giúp các tổ chức, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các quy định mới để triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm mới trong trong lĩnh vực dược, hướng tới sức khỏe người tiêu dùng.

 

Thảo Vân

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang