Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Hưởng ứng Ngày dân số Thế giới 11/7/2025 với chủ đề “Quyền tự quyết sinh sản trong bối cảnh toàn cầu thay đổi”
Lượt xem: 24
Ngày dân số Thế giới 11/7 năm nay mang chủ đề: “Quyền tự quyết về sinh sản trong một Thế giới đang thay đổi”. Đây là thông điệp chính thức được Văn phòng Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam công bố và được Bộ Y tế đưa vào Kế hoạch truyền thông dân số năm 2025 nhằm đẩy mạnh nhận thức cộng đồng về vai trò, quyền lợi và trách nhiệm trong vấn đề sinh sản.
anh tin bai

Truyền thông, cổ động ngày dân số Thế giới 11/7. Ảnh: Trọng Thụ

 Ngày dân số Thế giới là sáng kiến của Liên hợp quốc, được tổ chức hàng năm vào ngày 11/7, nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về các vấn đề liên quan đến dân số như tăng trưởng dân số, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới và phát triển bền vững. Ngày này được khởi xướng vào năm 1989 bởi Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), sau sự kiện dân số thế giới đạt mốc 5 tỷ người vào ngày 11/7/1987. Đây là dịp để các quốc gia cùng đánh giá, thúc đẩy những chính sách dân số hiệu quả, đảm bảo quyền sinh sản và chất lượng cuộc sống cho mọi người dân, đặc biệt là phụ nữ và thanh thiếu niên.

 Vào năm 1994, tại Cairo, Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển, 179 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã thông qua chương trình hành động với tầm nhìn sâu rộng trong lĩnh vực dân số và phát triển (ICPD). Các quốc gia đều đồng thuận với quan điểm cho rằng chúng ta cần đặt con người vào vị trí trung tâm và khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa dân số và phát triển. Việc lồng ghép đầy đủ các vấn đề dân số vào các chiến lược phát triển, vào công tác lập kế hoạch, ra các quyết định và phân bổ nguồn lực ở các cấp, vùng nhằm giải quyết hợp lý các chỉ tiêu dân số, bao gồm tỷ lệ tăng dân số, cơ cấu tuổi, mức sinh, mức chết, di cư... đều ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của phát triển con người, kinh tế - xã hội.

Tại Việt Nam, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hoá, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Công tác tuyên truyền, giáo dục, nhận thức về DS - KHHGĐ của các cấp, các ngành và toàn dân có bước đột phá.

Chất lượng dân số Việt Nam ngày càng được cải thiện, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng lên. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng 33,7 năm từ 40 tuổi (1960) lên 74,7 (2023). So với năm 2019, tuổi thọ bình quân tính từ lúc sinh của Việt Nam đã tăng lên 1,1 năm sau giai đoạn 5 năm. Tầm vóc thể lực của người Việt Nam có bước cải thiện. Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng thêm 6,6 cm, đạt 168,1 cm ở nam (2020) và 156,2 cm ở nữ.

Tuy nhiên, mức sinh trên toàn quốc có xu hướng giảm thấp dưới mức sinh thay thế và dự báo sẽ tiếp tục xuống thấp trong các năm tiếp theo. Tổng tỷ suất sinh năm 2024 là 1,91 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế. Kể từ năm 2009 đến hết năm 2022, trong suốt gần 15 năm, mức sinh của Việt Nam giữ trạng thái tương đối ổn định xung quanh mức sinh thay thế. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, 2023-2024, mức sinh của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu giảm nhanh hơn (trong khi đó, mục tiêu Nghị quyết 21- NQ/TW đề ra là “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế”). Theo dự báo, đến năm 2039, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ dân số vàng, năm 2042 quy mô dân số trong độ tuổi lao động đạt đỉnh và sau năm 2054 dân số sẽ bắt đầu tăng trưởng âm. Hệ lụy của mức sinh thấp kéo dài sẽ dẫn đến thiếu hụt lực lượng lao động, suy giảm quy mô dân số, đẩy nhanh già hóa dân số, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp chiều 3/6 và có hiệu lực từ ngày 3/6/2025 nêu rõ mỗi cặp vợ chồng, cá nhân được quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh con phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cá nhân, cặp vợ chống trên cơ sở bình đẳng. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng, tránh để mức sinh giảm quá thấp, không đạt mức sinh thay thế - điều có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, an ninh và quốc phòng trong tương lai.

Thực hiện chính sách DS - KHHGĐ, tỉnh ban hành nhiều văn bản quan trọng để chỉ đạo triển khai thực hiện công tác dân số thống nhất trên địa bàn tỉnh theo định hướng chung của cả nước, trong đó tác động đến tất cả các lĩnh vực về quy mô dân số, chất lượng dân số, cơ cấu dân số, phân bố dân số và quản lý dân số. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo công tác dân số các cấp; sự phối hợp của các sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị, xã hội đối với công tác dân số.

Hàng năm, Chi cục Dân số tham mưu Sở Y tế, Ban chỉ đạo công tác dân số tỉnh ban hành Kế hoạch hoạt động của BCĐ, Kế hoạch tổ chức thực hiện công tác dân số trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, giám sát hỗ trợ cấp huyện, xã triển khai các hoạt động theo kế hoạch.

Để công tác DS - KHHGĐ phát triển bền vững, ngành Y tế tiếp tục thực hiện các giải pháp theo Kế hoạch số 190-KH/TU ngày 15/01/2018 của Tỉnh ủy Cao Bằng về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền và sự tham gia của toàn xã hội đối với công tác dân số; thực hiện chính sách về dân số. Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Đa dạng hóa các hình thức, phương pháp truyền thông giáo dục phù hợp với các nhóm đối tượng. Vận động mọi thanh niên, đặc biệt là những người có nguy cơ cao trước khi kết hôn thực hiện việc tư vấn và khám sức khoẻ trước hôn nhân; phụ nữ mang thai thực hiện việc tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh; để mọi trẻ sinh ra đều được tầm soát, chẩn đoán, điều trị sơ sinh. Nâng cao chất lượng dân số; đưa tỷ số giới tính khi sinh dần về mức cân bằng tự nhiên; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý, góp phần phát triển nhanh và bền vững.

Mai Hoa

 

 

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang