Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Hội thảo trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm tư vấn, điều trị thuốc lá và Hội thảo giới thiệu tổng kết Mô hình cải thiện dinh dưỡng do Trung ương tổ chức
Lượt xem: 65
Sáng ngày 22/5/2025, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật mở 2 điểm cầu trực tuyến tham dự Hội thảo do Bệnh viện Bạch Mai và Viện Dinh Dưỡng - Bộ Y tế tổ chức.
anh tin bai

Đồng chí Bế Thị Bạch - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chủ trì Hội thảo khoa học và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tư vấn và điều trị thuốc lá tại điểm cầu tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Thảo Vân)

 

Dự hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tư vấn và điều trị thuốc lá do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức đồng chí Bế Thị Bạch - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các viên chức Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm; Hội thảo giới thiệu, tổng kết Mô hình cải thiện dinh dưỡng trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia do Viện Dinh dưỡng tổ chức có đồng chí Triệu Nguyệt Hoa - Phó Giám đốc Trung tâm và các viên chức Khoa Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng tham dự.

Phát biểu tại Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tư vấn và điều trị thuốc lá, PGS.TS. Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh gánh nặng của thuốc lá gây ra cho toàn cầu là rất lớn. Theo đó, Phó giáo sư cho biết: Hút thuốc lá gây ra nhiều bệnh mạn tính và nan y. Khói thuốc lá có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây ra 25 nhóm bệnh khác nhau, bao gồm 11 loại ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ. Ước tính cứ 2 người hút thuốc lá thì có 1 người sẽ chết sớm. Tác hại lớn như vậy nhưng chúng ta có thể phòng ngừa được bằng việc không hút thuốc lá. Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên toàn cầu ước tính có khoảng 19 triệu thanh thiếu niên từ 13- 15 tuổi (13 triệu bé trai và 6 triệu bé gái) đang hút thuốc lá. Trong đó có khoảng 5 triệu thanh thiếu niên hút thuốc lá sống ở khu vực Đông Nam Á. Tỷ lệ trẻ em từ 13- 15 tuổi đang sử dụng các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cao.

Với những con số đáng cảnh báo cho thấy hệ lụy của khói thuốc lá đang đánh vào giới trẻ. Năm 2025, Tổ chức Y tế thế giới (WHO)  đã quyết định chọn thông điệp "Vạch trần sự hấp dẫn giả tạo" nhằm phơi bày chiến lược của các tập đoàn thuốc lá trên thế giới trong việc quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm thuốc lá không có hại để mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là trong giới trẻ. Thuốc lá và các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều có hại cho sức khỏe. Các nghiên cứu và trong y văn đã ghi rõ và mô tả các trường hợp tổn thương não do tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Có thể khẳng định rằng, thuốc lá và các chế phẩm mới như thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử đều gây nghiện như cocain, nicotine. Vì vậy, dù muộn còn hơn không, chúng ta cần có những hành động mạnh mẽ để ngăn chặn khả năng tiếp cận sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong thanh thiếu niên, để bảo vệ thế hệ trẻ khỏi tác hại của các sản phẩm độc hại này, đồng thời bảo vệ sức khoẻ cho người dân.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã trình bày các bài tham luận chia sẻ kinh nghiệm với các chủ đề: Tư vấn từ cán bộ y tế - Chìa khóa thành công trong điều trị cai nghiện thuốc lá; Sự hấp dẫn giả tạo các loại thuốc lá; Chia sẻ kinh nghiệm triển khai tư vấn cai nghiện thuốc lá tại Bệnh viện đa khoa Ba Vì…

Hội thảo là một trong những hoạt động thiết thực và ý nghĩa hưởng ứng “Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5”. Thông qua Hội thảo nhằm nhấn mạnh tầm ảnh hưởng nghiêm trọng của thuốc lá tới sức khỏe con người cũng như đối với toàn xã hội. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả luật phòng chống tác hại thuốc lá, hướng tới nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc.

Phát biểu khai mạc Hội thảo giới thiệu, tổng kết Mô hình cải thiện dinh dưỡng trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia, PGS.TS. Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết: Trong những năm qua, tình hình cải thiện dinh dưỡng của trẻ em tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng miền. Ông nhấn mạnh rằng, cải thiện dinh dưỡng không chỉ là mục tiêu trong lĩnh vực y tế mà còn là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển bền vững. Dinh dưỡng hợp lý góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảm thiểu gánh nặng bệnh tật và đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Các mô hình dinh dưỡng đã và đang được triển khai hiện nay không chỉ mang tính chất giải pháp trước mắt mà còn là cơ sở thực tiễn để xây dựng và hoàn thiện các chính sách dài hạn về chăm sóc sức khỏe ban đầu, đặc biệt tại những khu vực còn nhiều khó khăn..

 

anh tin bai

Các đại biểu tham dự Hội thảo trực tuyến giới thiệu và tổng kết Mô hình cải thiện dinh dưỡng trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia tại điểm cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. (Ảnh: Hoàng Trang)

 

Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe báo cáo và tham luận các nội dung: Kết quả thực hiện mô hình cải thiện dinh dưỡng cho trẻ dưới 3 tuổi tại các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Thanh Hóa giai đoạn 2023- 2025; Giới thiệu mô hình triển khai hoạt động dinh dưỡng học đường đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh; Kết quả thực hiện mô hình dinh dưỡng tại huyện Lang Chánh (tỉnh Thanh Hóa); Kết quả thực hiện mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu; Triển khai mô hình Chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày tại Huế; Các mô hình dinh dưỡng của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam; Kết quả  lồng ghép các mô hình của tổ chức Tầm nhìn thế giới vào các chương trình dinh dưỡng quốc gia tại Điện Biên; Giới thiệu về mô hình tiền mặt liên kết với dinh dưỡng tại tỉnh Gia Lai; Triển khai các hoạt động dinh dưỡng trong Chương trình mục tiêu và đề xuất can thiệp hỗ trợ tiền mặt liên kết dinh dưỡng tại Gia Lai.

Trong bối cảnh Trung ương đang triển khai xây dựng dự án Luật Phòng bệnh, trong đó có nội dung về Chương Dinh dưỡng, Hội thảo đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục tích cực nghiên cứu, thảo luận và đóng góp ý kiến xây dựng các văn bản dưới luật như thông tư, nghị định về dinh dưỡng, nhằm đảm bảo khi ban hành có thể triển khai đồng bộ, hiệu quả ngay từ đầu. Đồng thời, các đơn vị cần chủ động đề xuất, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình can thiệp dinh dưỡng có hiệu quả cao; tích cực lồng ghép các mục tiêu dinh dưỡng vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hướng tới mục tiêu chăm sóc dinh dưỡng toàn diện, hiệu quả cho mọi người dân Việt Nam.

 

Thảo Vân - Hoàng Trang

 

 

 

 

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang