Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em
Lượt xem: 554
Ngày 27/3/2023, Bộ Y tế đã ký Quyết định số 1575/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em.
anh tin bai

Khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ nhằm mục đích quyết định cho trẻ có chống chỉ định tiêm chủng, đủ tiêu chuẩn tiêm chủng hay tạm hoãn tiêm chủng.

 

Theo đó, Quyết định Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em được áp dụng tại các cơ sở tiêm chủng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước. Sở Y tế tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo và thông báo danh sách các cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận, khám sàng lọc và chỉ định tiêm chủng trên địa bàn đối với các trường hợp gửi chuyển từ tuyến dưới. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành; bãi bỏ Quyết định số 2470/QĐ-BYT ngày 14/6/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em. Các cơ sở tiêm chủng tiếp tục thực hiện Bảng kiểm trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đối với trẻ em được ban hành kèm theo Quyết định số 5002/QĐ- BYT ngày 29/10/2021.

Hướng dẫn bao gồm: Khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ trên 1 tháng và trẻ sơ sinh nhằm mục đích quyết định cho trẻ có chống chỉ định tiêm chủng, đủ tiêu chuẩn tiêm chủng, trẻ tạm hoãn tiêm chủng tại cơ sở tiêm chủng và các trường hợp phải chuyển khám sàng lọc tại Bệnh viện.

Khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ em đối với cơ sở ngoài Bệnh viện

Trong đó, khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ em từ 1 tháng tuổi trở lên, bao gồm: các trường hợp chống chỉ định, các trường hợp tạm hoãn.

Khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tháng tuổi: Giai đoạn trẻ dưới 1 tháng tuổi khi thăm khám sàng lọc, cần chú ý đến tuần tuổi thai khi đẻ, tuổi thai hiệu chỉnh, cân nặng, các chức năng cơ quan, bệnh lý cấp tính, các nghi ngờ bệnh suy giảm miễn dịch, phơi nhiễm HIV... trong đó, quy định một số các tình huống chống chỉ định và trường hợp tạm hoãn.

Một số lưu ý khi khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ em đối với cơ sở ngoài Bệnh viện

Trẻ phơi nhiễm với HIV, trẻ nhiễm HIV: Cơ sở quản lý, điều trị HIV/AIDS cần phối hợp đưa ra các thông số cơ bản (trẻ phơi nhiễm với HIV, trẻ nhiễm HIV, biểu hiện lâm sàng, tình trạng miễn dịch...) để cơ sở tiêm chủng sàng lọc và ra quyết định tiêm chủng cho trẻ. Đối với các vắc xin không phải là vắc xin sống giảm độc lực, chỉ định tiêm như trẻ bình thường; chống chỉ định vắc xin sống giảm độc lực với trẻ phơi nhiễm với HIV, trẻ nhiễm HIV tương tự trẻ không nhiễm HIV. Cần lưu ý một số tình huống chỉ định, tạm hoãn, thận trọng với vắc xin sống giảm độc lực cho trẻ phơi nhiễm với HIV, trẻ nhiễm HIV.

Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng ở cơ sở ngoài Bệnh viện cần chuyển khám sàng lọc tại Bệnh viện: Trẻ mắc suy giảm miễn dịch nếu tiêm chủng vắc xin sống giảm độc lực; trẻ có cân nặng dưới 2.000g; trẻ có tiền sử phản ứng tăng dần sau các lần tiêm chủng trước của cùng loại vắc xin; trẻ có tiền sử phản ứng phản vệ độ II sau tiêm chủng vắc xin lần trước (có cùng thành phần); trẻ mắc các bệnh bẩm sinh hoặc bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu, thần kinh, ung thư chưa ổn định; trẻ có tiền sử phản ứng với thuốc, sữa, thức ăn hoặc các loại dị nguyên khác.

Khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ em tại Bệnh viện

Được thực hiện cho các trường hợp chuyển đến từ cơ sở tiêm chủng ngoài Bệnh viện và các trẻ đang điều trị tại Bệnh viện như: Nhóm trẻ sơ sinh, trẻ suy giảm miễn dịch, trẻ bệnh mạn tính ổn định, bệnh lý cấp tính trước khi ra viện...

Khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tháng tuổi được thực hiện cho trẻ đẻ ra tại Bệnh viện và từ cơ sở tiêm chủng ngoài Bệnh viện gửi đến. Một số các lưu ý về chống chỉ định, tạm hoãn tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tháng tuổi trong khám sàng lọc tại Bệnh viện gồm các trường hợp chống chỉ định, các trường hợp tạm hoãn.

Một số lưu ý khi khám sàng lọc trước tiêm chủng tại Bệnh viện

Thực hiện khám sàng lọc, tiêm chủng cho trẻ theo lịch và trước khi ra viện đối với những trường hợp không thuộc diện chống chỉ định, tạm hoãn tiêm chủng tại Bệnh viện. Tạm hoãn tiêm chủng với các trường hợp trẻ phơi nhiễm với HIV và trẻ nhiễm HIV.

Một số lưu ý khác khi thăm khám sàng lọc tại Bệnh viện

Trẻ có vàng da, tạm hoãn tiêm chủng với trường hợp vàng da mức độ nặng có chỉ định điều trị; trẻ đẻ non hoặc nhẹ cân so với tuổi; trẻ đang điều trị kháng sinh: khám, đánh giá tình trạng bệnh lý nếu trẻ không có chống chỉ định hoặc tạm hoãn, thực hiện tiêm chủng cho trẻ theo lịch; trẻ thiếu yếu tố đông máu: truyền yếu tố đông máu bị thiếu, đảm bảo ổn định tình trạng đông máu trước khi tiêm chủng.

Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em ban hành kèm theo Quyết định số 1575/QĐ-BYT:

Tải về

 

Đức Giang

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang